2/04/2012

Giáo dục hoà nhập cho trẻ tự kỷ: Nhiều khó khăn


heo thống kê của Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GDĐT Hà Nội), năm học 2011 - 2012, ở thủ đô có 1.021 trẻ tự kỷ đang học cấp tiểu học.

Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ, giáo viên (GV) thì đây chưa phải là con số thực tế, bởi không ít học sinh (HS) có biểu hiện tự kỷ hoặc khuyết tật về trí tuệ, nhưng các bậc phụ huynh vẫn chưa dám đối mặt, chưa thừa nhận.
Tốc độ tăng nhanh số trẻ mắc chứng tự kỷ đang tạo khoảng trống về khả năng đáp ứng giáo dục hoà nhập trong các trường học.
Xã hội cần chung tay chăm sóc trẻ tự kỷ. Ảnh: B.B.H
Xã hội cần chung tay chăm sóc trẻ tự kỷ. Ảnh: B.B.H
Khó khăn con đường học hoà nhập

Theo ThS Nguyễn Thị Thanh - GĐ Trung tâm Hỗ trợ giáo dục trẻ đặc biệt, CĐ Sư phạm Trung ương - trong 3 mô hình giáo dục hiện nay là giáo dục trong trường chuyên biệt, giáo dục bán hòa nhập và giáo dục hòa nhập thì học hòa nhập là mô hình tốt nhất cho trẻ tự kỷ. Bà Thanh phân tích: “Trẻ tự kỷ có rất nhiều cấp độ, trong đó chỉ có 10 - 15% thuộc thể nặng có thể chuyển sang khuyết tật trí tuệ, còn lại đa số các em chỉ bị ở thể nhẹ và hoàn toàn có thể trở thành người bình thường, có ích cho xã hội với điều kiện được hòa nhập từ nhỏ và không bị định kiến của xã hội”.

Nói về giáo dục hòa nhập hiện tại ở Hà Nội, ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng GD tiểu học (Sở GDĐT Hà Nội) chia sẻ: “Dạy trẻ vốn là việc đầy khó nhọc, nhưng dạy trẻ tự kỷ còn khó nhọc hơn nhiều. Công việc này đòi hỏi người thực hiện không chỉ có chuyên môn vững vàng mà còn phải có lòng thương yêu cao cả và tinh thần trách nhiệm cao. Quan trọng hơn nữa là việc này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà chuyên môn, các bậc phụ huynh, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức trong và ngoài nước, những người thực sự quan tâm đến tương lai và cuộc đời của trẻ em tự kỷ. Hiện nay, do kinh nghiệm còn ít, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên việc thực hiện công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ cấp tiểu học trên địa bàn Hà Nội chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn”.

Tuy nhiên, trên địa bàn cũng có những điểm sáng về giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ. Bà Nguyễn Thị Minh Xuyến - Phó Trưởng phòng GDĐT quận Cầu Giấy - cho biết, hiện quận có 105 HS mắc chứng tự kỷ đang theo học từ lớp 1 đến lớp 5. Quận Cầu Giấy áp dụng hình thức có sự hỗ trợ của GV chuyên biệt đối với HS tự kỷ học hòa nhập tại trường tiểu học - bổ sung thêm một GV hỗ trợ cho 2 HS tự kỷ cùng kèm cặp các em với GV chủ nhiệm. “Chúng tôi đã kết hợp với Trường Mầm non Ngôi Sao Sáng là trường chuyên nhận trẻ đặc biệt. Các cô mầm non sẽ theo các con vào lớp 1 để con có thời gian thích nghi với điều kiện học tập mới, đồng thời hỗ trợ cho GV chủ nhiệm có phương pháp giáo dục thích hợp” – bà Xuyến cho biết. Hiệu quả của phương pháp này đã được khẳng định khi tại Trường Tiểu học Mai Dịch, 7 trong số 8 HS mắc chứng tự kỷ đã được lên lớp 2 trong năm học 2011 – 2012 và trường tiếp tục nhận thêm 7 trường hợp nữa vào lớp 1.

Ước mơ con được học cao hơn
“Hôm nay cô giáo trường cũ của Tý nhắn tin (Tý chuyển trường mà) “Mong chờ một ngày nào đó, chị gọi báo tin cho em là con đỗ ĐH. Em vẫn mong chờ sự bứt phá, bùng nổ của con chị ạ”. Đọc tin nhắn của cô mà mẹ khóc!”.

“Hôm trước mình nói chuyện với GV dạy toán của Nghé, mình nói với thầy là: Nếu năm nay con học kém quá thì cho con học 2 năm lớp 6 cũng được. Thầy trả lời: Chị cứ cân nhắc cho kỹ, theo Luật Giáo dục của mình thì mỗi lớp chỉ được đúp 1 lần, nếu 2 lần trở lên thì con sẽ không được vào trường phổ thông cấp 3 (THPT) mà buộc phải học hệ bổ túc. Trời ơi! Mình chả bao giờ dám mơ con mình vào được trường cấp 3, không biết cấp 2 (THCS) có trụ được hay không ấy chứ. Thế mà thầy giáo lại gieo cho mẹ cháu một giấc mơ”.

Đây là những dòng tâm sự của phụ huynh trên diễn đàn dành cho cha mẹ có con tự kỷ. Các con đến trường tiểu học đã là chuyện vất vả, nhưng các bậc cha mẹ vẫn có hy vọng con mình có những bước tiến dài hơn nữa. Tuy vậy, mẹ của bé N.M.H bày tỏ băn khoăn khi càng lên lớp cao hơn, trẻ tự kỷ càng đuối vì khối lượng kiến thức quá nhiều cộng với khoảng cách ngày càng xa giữa nhận thức của trẻ bình thường với trẻ tự kỷ. Những gia đình có con em mắc chứng tự kỷ luôn trăn trở với những câu hỏi như: “Liệu con mình còn theo được đến đâu?”, “Tương lai sau này sẽ thế nào?”... “Tôi mong muốn ngành giáo dục quan tâm hơn nữa đối với các cháu để mỗi trường học đều có ít nhất một GV chuyên biệt giúp các con có được cơ hội thực sự được hòa nhập và trở thành người có ích cho xã hội” - chị bày tỏ.
Thu Huyền - Chi Mai

0 nhận xét:

Đăng nhận xét